Lý thuyết Dow: Nguyên lý và ứng dụng trong đầu tư (Nâng cao)

Lý thuyết Dow khẳng định rằng thị trường chứng khoán luôn tiến triển qua ba giai đoạn chính, bao gồm xu hướng chính, xu hướng thứ cấp và xu hướng nhỏ.

Lý thuyết Dow được coi là nền tảng của phân tích kỹ thuật hiện đại, nó được phát triển bởi Charles Dow từ khoảng những năm 1897 và được áp dụng rộng rãi cho đến tận ngày nay.

Lý thuyết Dow cùng với lý thuyết sóng Elliott là hai lý thuyết mà bất kỳ một nhà đầu tư chuyên nghiệp nào cũng đều phải nắm vững.

Sức mạnh của lý thuyết Dow là việc giúp nhà đầu tư xác định được xu hướng chính của thị trường là đang tăng hay đang giảm, xu hướng chính này còn có thể tăng hay giảm tiếp không, khi nào thì xu hướng chính sẽ đảo chiều?

Từ đó giúp các nhà đầu tư có quyết định sáng suốt hơn trong việc ra quyết định đầu tư.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được toàn bộ nội dung của lý thuyết Dow, cũng như áp dụng lý thuyết Dow vào trong đầu tư tiền điện tử (Crypto) và chứng khoán.

Mục lục

  1. Lý thuyết Dow là gì?
  2. Lịch sử và nguồn gốc
  3. 6 nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow
  4. Hạn chế của lý thuyết Dow
  5. Chiến lược giao dịch với lý thuyết Dow
  6. Một số câu hỏi thường gặp về lý thuyết Dow

1. Lý thuyết Dow là gì?

Lý thuyết Dow là một phương pháp phân tích kỹ thuật trong đầu tư, nó bao gồm 6 nguyên lý cơ bản giải thích cách vận hành của thị trường chứng khoán.

Nó dựa trên khái niệm rằng thị trường chứng khoán di chuyển theo 3 xu hướng gồm xu hướng chính, xu hướng thứ cấp và xu hướng nhỏ. Trong đó xu hướng chính sẽ trải qua 3 giai đoạn gồm tích lũy, tăng trưởng, phân phối.

Lý thuyết Dow cho rằng nhà đầu tư có thể phân tích và dự đoán được xu hướng chính của thị trường, từ đó đưa ra được chiến lược đầu tư phù hợp.

Lý thuyết Dow: Nguyên lý và ứng dụng trong đầu tư (Nâng cao)

2. Lịch sử và nguồn gốc của lý thuyết Dow

Người đặt nền móng đầu tiên cho lý thuyết Dow chính là Charles Dow (1851-1902). Ông là một nhà báo, người sáng lập và biên tập viên đầu tiên của tờ báo The Wall Street Journal.

Thông qua tờ báo này ông đã viết khoảng 255 bài báo về phân tích thị trường chứng khoán dựa trên lý thuyết Dow mà ông đã phát triển. Tuy nhiên có một điểm đặc biệt là tất cả các bài báo của ông đều chưa từng sử dụng thuật ngữ “Lý thuyết Dow”

Thuật ngữ “ Lý thuyết Dow ’’ lần đầu tiên được sử dụng trong một bài báo có tên là The ABC of Stock Speculation trên tờ The Wall Street Journal vào năm 1902 của tác giả A. C. Nelson, và chính A. C. Nelson cũng là người bạn của Charles Dow.

Sau khi Charles Dow qua đời thì William Peter Hamilton đã kế nhiệm ông làm biên tập viên của tờ The Wall Street Journal và tiếp tục viết các bài báo về Lý thuyết Dow từ năm 1902 đến năm 1929 trên tờ báo này.

Hamilton cũng mô tả các yếu tố cơ bản của Lý thuyết Dow thành một cuốn sách có tên là The Stock Market Barometer vào năm 1922.

Sau khi Hamilton qua đời thì Rober Rhea đã hoàn thiện hơn nữa cái gọi là “ Lý Thuyết Dow ’’. Năm 1932, Rhea viết một cuốn sách có tự đề là Lý Thuyết Dow.

Các tài liệu về Lý thuyết Dow ngày nay đều dựa trên cuốn sách của Rhea và lý thuyết này cũng trở thành nền tảng của phân tích kỹ thuật trong đầu tư tiền điện tử (Crypto), chứng khoán.

3. 6 nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow giải thích cách vận hành của thị trường chứng khoán, tiền điện tử (Crypto) dựa trên 6 nguyên lý như sau:

Nguyên lý 1: Mọi thông tin trên thị trường đều được phản ánh vào giá

Dow cho rằng mọi thứ cần biết về thị trường như tin tức, biến động lãi suất, kỳ vọng thu nhập, dự báo doanh thu, tin tức chính trị, tâm lý các nhà đầu tư …tất cả đều đã được phản ánh vào giá.

Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư chỉ cần tập trung vào dữ liệu giá trên đồ thị từ quá khứ đến hiện tại để đưa ra quyết định đầu tư trong tương lai.

Nguyên lý này của Dow gây ra rất nhiều tranh cãi trong đầu tư và đi ngược lại với quan điểm của những người theo phân tích cơ bản, những người luôn dựa trên báo cáo tài chính, dự báo doanh thu, báo cáo dòng tiền… để ra quyết định đầu tư.

Quan điểm cá nhân của mình về trường hợp này như sau: Chúng ta vẫn lấy đồ thị giá làm chủ đạo trong mọi quyết định đầu tư, còn việc khi có tin tức thì vẫn nghe và cần phải kiểm tra lại bằng phân tích kỹ thuật trên đồ thị giá.

Nguyên lý 2: Thị trường có ba xu hướng

Charles Dow cho rằng thị trường có ba xu hướng gồm: Xu hướng chính, xu hướng thứ cấp và xu hướng nhỏ.

Lý thyết Dow cho rằng thị trường có 3 xu hướng gồm: xu hướng chính, xu hướng thứ cấp, xu hướng nhỏ

Xu hướng chính

Xu hướng chính là xu hướng dài hạn của thị trường và thường kéo dài từ vài tháng tới vài năm (thông thường từ 1 năm trở lên). Xu hướng chính có thể là xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm.

Xu hướng thứ cấp

Xu hướng thứ cấp là một chuyển động ngược hướng với hướng của xu hướng chính và thường kéo dài từ 3 tuần đến vài tháng.

Lưu ý: Khi xu hướng thứ cấp chuyển động cùng chiều với xu hướng chính thì nó là xu hướng chính.

Nhà đầu tư rất dễ nhầm lẫn giữa xu hướng thứ cấp và xu hướng chính khi mới hình thành. Vì trong giai đoạn này hai xu hướng có đặc điểm giống nhau hoàn toàn.

Xu hướng nhỏ

Xu hướng nhỏ là xu hướng biến động giá hàng ngày của thị trường. Xu hướng nhỏ thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và thường không quá một tuần.

Do sự biến động giá hàng ngày là biến động ngẫu nhiên từ ngày này sang ngày khác nên giá trị dự báo có nhiều hạn chế.

Phân tích biến động giá hàng ngày chỉ hiệu quả khi và chỉ khi chúng ta nhóm các ngày khác lại với nhau để tạo ra các mô hình biểu đồ hay mô hình nến thì khi đó kết quả phân tích mới đáng tin cậy.

Nguyên lý 3: Xu hướng chính của thị trường có 3 giai đoạn

Xu hướng chính của thị trường, dù là xu hướng tăng hay xu hướng giảm thì thường gồm ba giai đoạn như sau:

Giai đoạn tích lũy

Giai đoạn bùng nổ

Giai đoạn phân phối

Xu hướng chính của thị trường gồm 3 giai đoạn: tích lũy, bùng nổ, phân phối

3 giai đoạn của thị trường tăng giá

Giai đoạn tích lũy

Giai đoạn này thường xảy ra sau một xu hướng giảm mạnh. Thị trường thì liên tục có những thông tin tiêu cực

Điều này khiến cho tâm lý của các nhà đầu tư mới là chán nản và họ tin rằng giá vẫn sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa, nên họ sẽ quyết định bán hết những gì còn nắm giữ.

Ngược lại với tâm lý của các nhà đầu tư mới, lúc này các quỹ lớn trong thị trường họ hiểu rằng thị trường đã gần chạm đáy, áp lực bán không còn nữa. Họ sẽ bắt đầu mua tích lũy dần trong một khoảng thời gian dài ở giai đoạn này.

Việc tích lũy luôn diễn ra âm thầm, ít làm ảnh hưởng đến biến động giá.

Đặc điểm nhận dạng:

Về tin tức: Thị trường thì liên tục có những tin bất lợi, tin xấu.

Về đồ thị giá: Giá thường đi ngang hoặc đi lên từ từ, các cây nến thường có thân ngắn, dâu nến cũng ngắn và volume giao dịch nhỏ.

Lý thuyết Dow: đặc điểm nhận dạng giai đoạn tích lũy trong thị trường Crypto
Giai đoạn bùng nổ

Khởi đầu của giai đoạn này là thị trường đã bắt đầu hình thành nên cấu trúc thị trường tăng giá, điều này khiến cho các nhà đầu tư theo xu hướng phân tích kỹ thuật mua vào, khiến giá lại càng tăng nhanh.

Đặc điểm nhận dạng:

Về tin tức: Bắt đầu xuất hiện những tin tức tốt trên thị trường, những tin tích cực khiến nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào hơn. Điều này lại càng đẩy giá lên cao hơn.

Về đồ thị giá: Thị trường hình thành cấu trúc tăng giá, giá tăng nhanh chóng và dốc, volume giao dịch thì bắt đầu tăng dần.

Giai đoạn phân phối

Đến giai đoạn này thì tất cả các tin tức tài chính đều tốt, niềm tin tăng giá của thị trường đang ở mức cao. Rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tin rằng giá sẽ còn tăng tiếp.

Ngược lại với tâm lý của các nhà đầu tư mới thì đây chính là thời điểm mà các nhà đầu tư lớn, các quỹ bắt đầu nhận thấy giá trị cổ phiếu, hay đồng coin đã được định giá cao và họ bắt đầu bán dần ra thị trường.

Đặc điểm nhận dạng:

Về tin tức: Thị trường lúc này toàn thông tin tích cực, lướt mạng xã hội, đọc báo, hay thậm chí kể cả xem tivi, cũng đều nói về việc tăng giá của thị trường.

Về đồ thị giá: Mặc dù thông tin thị trường toàn tin tốt nhưng đồ thị giá thì vẫn cứ đi ngang hoặc có xu hướng giảm nhẹ hoặc tăng nhẹ.

Đây là dấu hiệu của việc cá mập đang chốt lời và khi mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ mất dần niềm tin vào việc tăng giá, khiến ít người mua hơn thì giá bắt đầu giảm mạnh.

Khi giá giảm mạnh kèm với Volume giao dịch lớn thì lúc này nhiều khả năng xu hướng chính của thị trường sẽ chính thức chuyển từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm.

3 giai đoạn của thị trường giảm giá.

Giai đoạn phân phối.

Giai đoạn phân phối của thị trường giảm giá trùng với giai đoạn phân phối của thị trường tăng giá.

Giai đoạn bùng nổ

Khác với giai đoạn bùng nổ ở thị trường giá lên, nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu tham gia vào việc mua cổ phiếu, hay tiền điện tử. Thì giai đoạn này các nhà đầu tư bắt đầu bán cổ phiếu hay tiền điện tử trong sự hoảng loạn.

Đặc điểm nhận dạng:

Về tin tức: Thị trường liên tục tung ra những tin tiêu cực.

Về đồ thị giá: Thị trường hình thành cấu trúc giảm giá, giá giảm rất mạnh kèm Volume giao dịch lớn.

Giai đoạn hoảng loạn

Giai đoạn hoảng loạn khi thị trường giảm thì trùng với giai đoạn tích lũy khi thị trường tăng giá.

Vẫn là nhà đầu tư nhỏ lẻ mất hết hi vọng vào việc tăng giá của thị trường và lúc này các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ bắt đầu mua tích lũy trong thời gian dài.

Như vậy là kết thúc một chu kỳ của thị trường.

Ghi chú: Một điểm cần lưu ý trong nguyên lý số 3 của lý thuyết Dow là không phải lúc nào thị trường cũng có đầy đủ cả 3 giai đoạn là tích lũy (hoảng loạn), bùng nổ, phân phối.

Hạn chế của lý thuyết Dow: Biểu đồ Bitcoin thiếu giai đoạn phân phối

Nguyên lý 4: Các chỉ số thị trường phải xác nhận lẫn nhau

Dow cho rằng để xác nhận một xu hướng thị trường là tăng hay giảm thì các chỉ số của thị trường phải xác nhận lẫn nhau.

Cá nhân Dow sử dụng chỉ số trung bình công nghiệp (DJIA) và chỉ số trung bình vận tải (DJTA) để xác nhận lẫn nhau.

Theo lý thuyết này, nếu hai chỉ số đều di chuyển theo cùng một hướng tăng hoặc giảm trên cơ sở giá đóng cửa hàng ngày thì xu hướng đó được coi là hợp lệ.

Các mức mới này không nhất thiết phải xảy ra cùng một ngày, nhưng điều quan trọng là để kết luận được xu hướng thì hai chỉ số này phải xác nhận lẫn nhau, hay nói cách khác là hai chỉ số này phải đưa ra cùng một xu hướng tăng hoặc cùng giảm.

Nếu chúng di chuyển theo hướng ngược nhau thì xu hướng vẫn chưa rõ ràng.

Ngày nay do nền kinh tế đã rất khác so với thời của Dow nên để đánh giá thị trường chứng khoán Mỹ thì người ta sẽ dùng 2 chỉ số là S&P500 (đại diện cho 500 công ty lớn nhất) và Russell 2000 (đại diện cho 2000 công ty vốn hóa nhỏ).

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thì các bạn có thể tham khảo chỉ số VNINDEX với chỉ số VNI100.

Đối với thị trường tiền điện tử thì có thể sử dụng biểu đồ giá của Bitcoin và biểu đồ tổng vốn hóa thị trường.

Lưu ý: Mình vừa gợi ý các chỉ số VNINDEX xác nhận chỉ số VNI100 và biểu đồ giá Bitcoin cần xác nhận với biểu đồ tổng vốn hóa thị trường Crypto, thì cái này không có trong lý thuyết của sách giáo khoa. Cái này là do mình đưa ra để anh em tham khảo thôi.

Lý thuyết Dow: Các chỉ số thị trường phải xác nhận lẫn nhau

Nguyên lý 5: Khối lượng phải xác nhận xu hướng.

Theo nguyên lý này, thì để dự đoán một xu hướng chính có tiếp tục duy trì hay sẽ đảo chiều thì sẽ dựa vào sự xác nhận của khối lượng giao dịch.

Điều này có nghĩa là :

Xu hướng chính sẽ tiếp tục duy trì khi: Khối lượng giao dịch sẽ tăng khi giá di chuyển cùng hướng với xu hướng chính, khối lượng giao dịch sẽ giảm khi giá di chuyển ngược hướng với xu hướng chính.

Xu hướng chính sẽ đảo chiều khi: Khối lượng giao dịch sẽ giảm khi giá di chuyển cùng hướng với xu hướng chính, khối lượng giao dịch sẽ tăng khi giá di chuyển ngược hướng với xu hướng chính.

Để làm rõ ý trên thì chúng ta xét 2 trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Xu hướng chính là tăng giá.

Khi giá tăng kèm theo khối lượng giao dịch tăng, khi giá giảm kèm theo khối lượng giao dịch giảm. Lúc này thị trường được cho là đã có sự xác nhận của khối lượng và nhiều khả năng sẽ tăng tiếp.

Khi giá tăng kèm theo khối lượng giao dịch giảm, khi giá giảm kèm theo khối lượng giao dịch tăng. Lúc này thị trường được cho là không có sự xác nhận của khối lượng và nhiều khả năng thị trường sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.

Trường hợp 2: Xu hướng chính là giảm giá.

Khi giá giảm kèm theo khối lượng giao dịch tăng, khi giá tăng kèm theo khối lượng giao dịch giảm. Lúc này thị trường được cho là đã có sự xác nhận của khối lượng và nhiều khả năng sẽ giảm tiếp.

Khi giá giảm kèm theo khối lượng giao dịch giảm, khi giá tăng kèm theo khối lượng giao dịch tăng. Lúc này thị trường được cho là không có sự xác nhận của khối lượng và nhiều khả năng thị trường sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng.

Lưu ý: Khi xét đến khối lượng giao dịch chỉ đơn giản là cung cấp thêm các bằng chứng để hỗ trợ thêm cho việc giải thích sự di chuyển bất thường của đường giá. Kết luận cuối cùng của thị trường đã chuyển xu hướng hay chưa thì vẫn phải có sự xác nhận của đường giá.

Lý thuyết Dow chuyên sâu: Xu hướng được xác nhận bởi khối lượng giao dịch

Nguyên lý 6: Xu hướng được tồn tại cho đến khi có sự đảo chiều rõ ràng

Charles Dow cho rằng khi một xu hướng chính đã được hình thành thì nó vẫn giữ vững xu hướng đó cho đến khi xu hướng ngược lại có tín hiệu rõ ràng.

Tuy nhiên để xác nhận xu hướng chính đã đảo chiều hay chưa trong giai đoạn đầu là điều không hề dễ dàng, rất dễ nhầm lẫn giữa xu hướng thứ cấp và xu hướng chính.

Điều này là do xu hướng thứ cấp và xu hướng chính đảo chiều có chung một đặc điểm là luôn di chuyển theo hướng ngược lại với xu hướng chính.

Vì vậy theo lý thuyết Dow bạn sẽ phải tiếp tục theo dõi thị trường cho đến khi xu hướng chính đảo ngược hình thành nên một cấu trúc thị trường tăng hoặc giảm rõ ràng thì mới kết luận được xu hướng chính đã bị đảo ngược hay chưa.

Điều kiện để xu hướng chính chuyển từ giảm sang tăng hay chưa thì có 2 điều kiện sau:

Một là: Đường giá phải tạo được giá cao hơn đỉnh tạo ra đáy thấp nhất, như trong hình bên dưới là đỉnh C hoặc đỉnh E phải có giá đóng cửa cao hơn giá cao nhất tại A.

Hai là: Xu hướng chính mới phải hình thành được cấu trúc tăng giá, tức là đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước, như trong hình bên dưới thì đỉnh E phải cao hơn đỉnh C và đáy D cao hơn đáy B.

Trường hợp xét xu hướng chính chuyển từ tăng sang giảm thì các bạn làm tương tự như vậy nhé.

Lý thuyết Dow nâng cao: Cách nhận biết xu hướng chính đã đảo chiều hay chưa

4. Hạn chế của lý thuyết Dow

Một số hạn chế của lý thuyết Dow như sau:

Lý thuyết Dow không phải lúc nào cũng đúng. Độ chính xác của lý thuyết Dow còn phụ thuộc vào khả năng phân tích của nhà giao dịch và tình hình thực tế của thị trường.

Lý thuyết Dow bỏ qua rất nhiều yếu tố như các sự kiện chính trị, kinh tế vĩ mô và xu hướng của ngành, các vấn đề khó đoán trước như thiên tai, dịch bệnh những điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường.

Lý thuyết Dow không giúp được nhiều cho các nhà đầu tư trung hạn. Điều này là hoàn toàn đúng bởi vì lý thuyết Dow chủ yếu tập trung vào xu hướng chính, xu hướng dài hạn.

Rất dễ nhầm lẫn khi xác định xu hướng chính đảo ngược và xu hướng thứ cấp, điều này khiến các nhà đầu tư lúng túng khi quyết định giao dịch.

Lý thuyết Dow có độ trễ lớn, thị trường chứng khoán hay thị trường tiền điện tử Crypto biến động liên tục, nếu một nhà giao dịch tuân thủ theo nguyên lý cứng nhắc của lý thuyế Dow thì sẽ bỏ lỡ giai đoạn đầu và cuối của xu hướng.

5. Chiến lược giao dịch khi áp dụng lý thuyết Dow

Trong 6 nguyên lý của lý thuyết Dow thì nguyên lý số 2 (lý thuyết về thị trường có 3 xu hướng) và nguyên lý số 3 (lý thuyết về xu hướng chính có 3 giai đoạn) được xem là quan trọng nhất và bắt buộc phải hiểu để áp dụng.

Bốn nguyên lý còn lại cũng chỉ nhằm bổ sung thêm thông tin để việc áp dụng nguyên lý số 2 và số 3 vào thực hành được rõ ràng hơn.

Vậy nên mình áp dụng quy trình 3 bước để tìm điểm vào lệnh với lý thuyết Dow như sau:

Bước 1: Xác định xu hướng chính của thị trường là tăng hay giảm trên 3 khung thời gian là tháng, tuần, ngày.

Bước 2: Lấy khung thời gian ngày để chọn làm xu hướng chính để giao dịch, khung tuần và khung tháng thì để lưu ý các vùng hỗ trợ và kháng cự.

Bước 3: Xác định mình đang ở giai đoạn tích lũy, bùng nổ hay phân phối trong một xu hướng chính

Bước 4: Tìm điểm vào lệnh phù hợp.

Có 3 trường hợp xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Thị trường đang trong giai đoạn tích lũy thì có thể chia vốn từ 3 đến 5 lần ra để mua dần.

Trường hợp 2: Thị trường đang trong giai đoạn phân phối thì tuyệt đối không mua, lúc này hãy nghĩ đến việc bán.

Trường hợp 3: Thị trường đang trong giai đoạn bùng nổ tăng giá thì hãy xem xét mua khi giá hình thành xu hướng thứ cấp và kết hợp các công cụ khác như phân tích đa khung thời gian, chỉ báo RSI, chỉ báo MACD, chỉ báo Fibonacci để quyết định tìm điểm mua cho hợp lý.

Trường hợp này cũng chia vốn ra làm 3 lần để mua vào các điểm như hình vẽ bên dưới.

3 điểm mua tiềm năng trong lý thuyết Dow

Trường hợp 4: Thị trường đang trong giai đoạn bùng nổ giảm giá thì xem xét điểm vào lệnh tương tự như trường hợp bùng nổ tăng giá, chỉ khác là bùng nổ tăng giá thì chỉ nghĩ đến việc mua và chờ mua còn bùng nổ giảm giá thì chỉ nghĩ đến việc bán và chờ bán.

6. Một số câu hỏi thường gặp về Lý thuyết Dow

FAQ



Sách lý thuyết Dow nào là tốt nhất?

Hiện tại tài liệu về lý thuyết Dow bằng tiếng việt rất ít và không đầy đủ. Bạn có thể tìm hiểu thêm về lý thuyết Dow qua 2 quyển sách bằng tiếng anh sau:

  1. Giáo trình CMT Level I của hiệp hội phân tích kỹ thuật toàn cầu (Chương 2).
  2. Technical Analysis of Stock Trends của 3 tác giả sau: Robert D. Edwards, John Magee và W.H.C Bassetti.



Tôi có thể tham khảo thêm các bài viết về lý thuyết Dow chất lượng ở đâu?

Bạn có thể tham khảo 2 nguồn sau:

  1.  thedowtheory.com đây là trang web cung cấp bản tin hàng đầu về cách xác định xu hướng của thị trường chứng khoán theo lý thuyết Dow.
  2. Một bài viết về lý thuyết Dow cũng khá đầy đủ của trang web Stock charts theo đường link sau: https://school.stockcharts.com/doku.php?id=market_analysis:dow_theory



Lý thuyết Dow được áp dụng cho thị trường nào?

Bạn có thể áp dụng trong thị trường chứng khoán, tiền điện tử (Crypto) và Forex.



Lý thuyết Dow chỉ dùng mức giá đóng cửa hàng ngày phải không?

Đúng vậy, lý thuyết Dow nguyên bản chỉ sử dụng mức giá đóng cửa hàng ngày để đánh giá về thị trường, không xét đến giá cao nhất và thấp nhất trong ngày.

Tuy nhiên bản thân mình khi sử dụng lý thuyết Dow thì mình xét cả giá cao nhất và thấp nhất của một cây nến thì mình thấy hiệu quả hơn.



Mô hình đường ngang trong lý thuyết Dow là gì?

Mô hình đường ngang trong lý thuyết Dow là để nói về những giai đoạn thị trường đi ngang, giá liên tục nằm trong hình hộp chữ nhật (biến động giá cao nhất và thấp nhất là dưới 5%).

Trong giai đoạn này thị trường cho thấy lực mua và bán đang giằng co và không rõ ràng.

Việc của nhà đầu tư là phải đợi giá phá cạnh trên hoặc dưới của mô hình đường ngang. Giá phá theo cạnh nào thì nhiều khả năng sẽ đi theo hướng đó.

Lưu ý:

Con số 5% chỉ là con số được đưa ra theo kinh nghiệm của Dow, thực tế thị trường cũng có lúc giá biến động lớn hơn 5% và vẫn được gọi là mô hình đường ngang.

Khi giá đi theo đường ngang càng lâu thì sự phá lên hay xuống càng có giá trị.



Công cụ chỉ báo nào có thể kếp hợp với lý thuyết Dow để xác định xu hướng thị trường được dễ dàng hơn?

Có 3 chỉ báo được nhiều người khuyên dùng khi sử dụng với lý thuyết Dow để xác định xu hướng thị trường gồm:  Fractal, Heiken Ashi, Zig Zag.

Tuy nhiên việc áp dụng 3 chỉ báo trên đối với mình thì mình thấy không thực sự hiệu quả. Mình chỉ áp dụng 6 nguyên lý của lý thuyết Dow để ứng dụng vào đầu tư, giao dịch thôi.

Vì vậy cho nên mình khuyên là không nên sử dụng thêm chỉ báo 3 chỉ báo trên làm gì cả, hãy tìm hiểu kỹ lý thuyết Dow để xác định xu hướng thị trường và kết hợp thêm các công cụ khác trong loạt bài về phân tích kỹ thuật của mình để đầu tư là sẽ có hiệu quả.

Share the Post:

Related Posts

This Headline Grabs Visitors’ Attention

A short description introducing your business and the services to visitors.